1
Bạn cần hỗ trợ?
ÔN THI HỌC KÌ II CÙNG SUPER HÓA HỌC

Năm 2018: Khối đại học sẽ có nhiều ngành học mới

  Bài viết hay nhất1
Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH vừa được ban hành, kèm theo Thông tư số 24 ngày 10-10-2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bao gồm 23 lĩnh vực với 366 ngành đào tạo (gọi chung là danh mục 2017) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25-11 tới.

Như vậy, năm 2018, với khối giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ có nhiều ngành học mới.

Ngoài sự thay đổi về mã ngành còn có thay đổi về thành phần trong các nhóm ngành, nhiều ngành mới xuất hiện; có những ngành mang tính chuyên môn hóa cao mà trước đây là chuyên ngành.

Nếu mã ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 14 ngày 27-4-2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gọi chung là danh mục 2010) có 8 chữ số, thì mã ngành theo danh mục đào tạo ĐH vừa mới ban hành là chuỗi số liên tục gồm 7 chữ số.
Năm 2018: Khối đại học sẽ có nhiều ngành học mới Khi-nao-cong-bo-quy-che-tuyen-sinh-2015
Code:
<Mùa tuyển sinh năm 2018 hứa hẹn có nhiều ngành học mới.Ảnh KTS>
Như vậy, trước đây con số 52 là mã trình độ đào tạo, thì nay là con số 7. Trong khi đó, theo khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với trình độ ĐH là trình độ bậc 6. Thí sinh, sinh viên, người làm công tác quản lý giáo dục cần lưu ý điều này.

Năm 2018, những ngành mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chính thức có tên trong danh mục nói trên. Ví dụ, ngành quản lý hoạt động bay trước đây thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, thì nay thuộc nhóm ngành khai thác vận tải.

Nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với xu thế phát triển ngành nghề hiện nay. Nhóm ngành máy tính có các ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính; nhóm ngành công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới, được đào tạo đầu tiên tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông, trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP HCM, trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân.

Việc bổ sung vào danh mục những ngành đào tạo mới, đa phần là những ngành nghề mà xã hội đang cần sẽ mở ra nhiều cơ hội để người học có thể chọn ngành học phù hợp hơn, và cơ sở giáo dục có thể triển khai chương trình đào tạo đúng với kỳ vọng ban đầu khi mở ngành.

Cũng trong danh mục 2017, ở lĩnh vực sức khỏe có thêm nhóm ngành mới như dinh dưỡng; kỹ thuật y học bao gồm các ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó nhiều ngành trước đây thuộc nhóm ngành dịch vụ y tế...

Số ngành đào tạo từ 262 ngành ở năm 2010, nay là 367 ngành, tăng 40%. Sự thay đổi tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực an ninh, quốc phòng; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; khoa học xã hội và hành vi. Các lĩnh vực không có sự tăng thêm ngành là nghệ thuật, khoa học sự sống, thú y.

Theo số liệu năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết năm học vừa qua cả nước hiện có 235 trường ĐH, học viện (con số này chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh).

Đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên. Thế nhưng đến năm học vừa qua, chỉ riêng quy mô đào tạo sinh viên ĐH đã đạt trên 1,7 triệu sinh viên, chưa kể quy mô đào tạo hệ CĐ thuộc Tổng cục Dạy nghề.

Số lượng đào tạo đông là thế nhưng tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp lại ở nhóm cao. Một phần là quy mô đào tạo theo ngành đang lệch với nhu cầu thị trường. Các ngành đào tạo truyền thống như kế toán, sư phạm… dư thừa trong khi những ngành xã hội cần lại ít đào tạo. Điều này tạo nên những kết quả không mong muốn của giáo dục ĐH Việt Nam.

Hiện nay có rất nhiều trường không tuyển sinh được, tìm đủ mọi phương pháp để “sống”. GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cho biết, có một số ngành truyền thống của trường nhưng vài năm trở lại đây trường tuyển sinh rất khó khăn. “Ví dụ như ngành công nghệ thông tin thường không tuyển sinh được. Nhưng muốn dừng tuyển sinh, xã hội nhìn vào lại ảnh hưởng đến uy tín của trường” – GS. Trần Hữu Nghị cho hay. Nhưng nếu dừng tuyển sinh, trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Lại có những trường ồ ạt mở các ngành kinh tế, thương mại, tài chính khi mà nhân lực ngành này dư thừa, hoặc đào tạo tràn lan nhân lực ngành công nghệ thông tin.

Từ năm 2017, để thu hút thí sinh, các trường ĐH kể cả công lập và tư thục đã mở thêm nhiều ngành học mới. Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường cũng thừa nhận, có ngành rất ít người học nhưng lại khó đóng cửa vì lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Vì vậy, việc có thêm nhiều ngành đào tạo mới là cần thiết ở thời điểm này, để các trường có thể giải quyết vấn đề thiếu người học và đào tạo theo những gì xã hội cần, thay vì nhà trường có.

Phan Thủy
Nguồn: Báo Phát luật và xã hội.
Bạn không có quyền trả lời bài viết